Không gian mạng bị kẻ xấu lợi dụng trở thành môi trường thực hiện các hoạt động xuyên tạc, tấn công vào hệ thống lý luận, nền tảng tư tưởng của Đảng, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta, tổ chức các chiến dịch xuyên tạc, bôi xấu đất nước. Hoạt động phát tán tin giả, tin xấu, độc, kích động tiếp tục diễn biến phức tạp. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Công an đã rà soát, phát hiện hơn 4.000 nguồn khởi phát thông tin xấu, độc, thu hút hơn 82 triệu lượt tiếp cận, tương tác thông tin, chủ yếu trên các nền tảng mạng xã hội, với hàng nghìn tài khoản, “hội nhóm” có hàng triệu lượt người theo dõi.
Nước ta chưa có văn bản quy định về chủ quyền không gian mạng quốc gia, quy định về chủ quyền lãnh thổ, quyền kiểm soát hoạt động mạng trên lãnh thổ mạng quốc gia, quyền tài phán, quyền pháp lý theo quốc kỳ và hồ sơ đăng ký tại quốc gia, quyền miễn trừ quốc gia. Điều này đặt ra nhiều thách thức trong công tác bảo vệ chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia trên không gian mạng.
Hoạt động tấn công mạng nhằm vào hệ thống thông tin trong nước và tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước, thông tin quan trọng, nhạy cảm vẫn còn tồn tại. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Công an đã phân tích gần 17 triệu cảnh báo dấu hiệu hoạt động tấn công mạng (tăng 240% so với cùng kỳ năm 2022), qua đó phát hiện, xác minh, xử lý 208 hệ thống có tên miền “.vn” bị tin tặc tấn công (giảm 75% so với cùng kỳ năm 2022).
Các loại tội phạm mạng, tội phạm sử dụng công nghệ cao diễn biến phức tạp, có yếu tố nước ngoài, xảy ra tại nhiều địa phương với nhiều thủ đoạn tinh vi, thiệt hại ước tính hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Trong 6 tháng đầu năm 2023, Bộ Công an đã đấu tranh, khởi tố 916 vụ án tội phạm sử dụng công nghệ cao, khởi tố 2.045 bị can, xử phạt vi phạm hành chính 108 vụ.
Dữ liệu công dân, dữ liệu phát triển kinh tế trên phạm vi quốc gia đang bị thu thập, sử dụng, lưu trữ chưa đúng quy định, đặt ra nguy cơ mất tự chủ về dữ liệu. Trong khi đó, chính sách, pháp luật về bảo vệ dữ liệu nói chung và dữ liệu cá nhân nói riêng đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện.
Nhận thức, kiến thức bảo đảm an ninh mạng của người dân về tính hai mặt của không gian mạng còn hạn chế. Ý thức, nhận thức về an ninh mạng của cán bộ quản trị, người sử dụng còn kém dẫn tới tình trạng lộ, lọt bí mật nhà nước, bí mật cá nhân, công khai thông tin nhạy cảm, quan trọng dễ bị tội phạm mạng lợi dụng. Đảm bảo an ninh mạng chưa được triển khai đồng bộ với quá trình ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng hệ thống thông tin. Công tác tuyên truyền về an ninh mạng chưa được đầu tư đúng mức.
Việc đầu tư nghiên cứu, chế tạo các sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng, làm chủ công nghệ chưa được chú trọng đúng mức. Công nghiệp an ninh mạng chưa được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, sự huy động các tổ chức, cá nhân tham gia chưa nhiều; chưa tạo được cơ chế và môi trường để nghiên cứu, xây dựng, phát triển, chế tạo các sản phẩm công nghiệp an ninh mạng cả chuyên sâu và lưỡng dụng. Khả năng làm chủ, tự chủ các thiết bị, sản phẩm, dịch vụ xây dựng hạ tầng không gian mạng quốc gia chưa cao.
Nguồn nhân lực công nghệ cao chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có nhiều đội ngũ chuyên gia nổi tiếng thế giới, có khả năng sáng tạo, phát minh, sáng kiến, tự chủ về công nghệ. Thiếu nguồn nhân lực trên các lĩnh vực công nghệ chuyên sâu, như: an ninh mạng, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, học máy, học sâu.
Không gian mạng được ứng dụng sâu rộng vào hoạt động quân sự, nâng cao năng lực tác chiến của lực lượng vũ trang. Chiến tranh thông tin, chiến tranh mạng có thể xảy ra vào bất cứ lúc nào và không giới hạn về không gian, thời gian.
Tăng cường vai trò của Ban Chỉ đạo An toàn, An ninh mạng quốc gia, điều phối các hoạt động bảo vệ an ninh mạng quốc gia trong phạm vi toàn quốc. Đề cao trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu các ngành, các cấp phải trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về hoạt động bảo vệ an ninh mạng đối với hệ thống thông tin được giao phụ trách. Xây dựng và triển khai có hiệu quả thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng, huy động sức mạnh của cả hệ chính trị và mọi nguồn lực trong xã hội tham gia bảo vệ an ninh mạng, phòng chống tội phạm mạng.
Nghiên cứu, xây dựng các chính sách, pháp luật điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh để đáp ứng kịp thời xu thế phát triển của khoa học, công nghệ; xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp trong bảo vệ an ninh mạng và có chế tài xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Trước hết, tập trung xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân; bổ sung vào Bộ luật Tố tụng hình sự quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền thu thập chứng cứ từ nguồn điện tử và các biện pháp điều tra tố tụng đặc biệt. Đồng thời, tổng kết thực tiễn, đánh giá những công nghệ mới đang và sẽ tác động đến an ninh, trật tự để đề xuất ban hành chính sách, pháp luật nhằm quản lý kịp thời.
Rà soát, quy hoạch lại các cơ sở hạ tầng cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet, bảo đảm hiệu quả ngăn chặn tấn công mạng và chặn lọc thông tin gây nguy hại. Tập trung quản lý chặt chẽ các dịch vụ thông tin di động và các loại hình thông tin trên mạng, đặc biệt là các mạng xã hội, trang thông tin điện tử, blog hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, đề án, dự án ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin liên quan đến hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định phương án, biện pháp bảo vệ an ninh mạng trước khi triển khai. Tổ chức diễn tập hằng năm về phòng, chống tấn công mạng cấp quốc gia với sự tham gia của cơ quan chính phủ và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng quân đội, thông tin và truyền thông, tuyên giáo trong bảo vệ an ninh mạng quốc gia. Trang bị các giải pháp kỹ thuật tiên tiến, hiện đại. Chủ động phát hiện, phân tích, điều tra, ngăn chặn, vô hiệu hóa hoạt động sử dụng không gian mạng phá hoại tư tưởng, gián điệp mạng, khủng bố mạng, tấn công mạng, xâm phạm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chủ quyền, lợi ích và an ninh quốc gia.
Xây dựng cơ chế thông tin, chương trình tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo vệ an ninh mạng cho toàn xã hội, trước hết là cán bộ lãnh đạo, cán bộ chuyên trách quản lý và vận hành hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo trọng điểm về an ninh mạng. Ban hành chính sách, chế độ đặc thù đối với cán bộ chuyên trách thực hiện công tác an ninh mạng. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, trọng dụng, đãi ngộ, phát triển đội ngũ chuyên gia, lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng giỏi, đạo đức tốt làm việc cho các cơ quan nhà nước.
Có cơ chế huy động, hỗ trợ, thúc đẩy các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp về công nghệ an ninh mạng, các doanh nghiệp công nghệ thông tin, cung cấp dịch vụ viễn thông, Internet trong nước lớn mạnh, có năng lực tự sản xuất các trang thiết bị an ninh mạng, từ đó, hình thành nền công nghiệp an ninh mạng. Nghiên cứu phương án nâng cao nguồn lực bảo đảm an ninh mạng theo hình thức hợp tác công - tư (PPP) để huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân cả trong và ngoài nước cho an ninh mạng.
Mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tăng cường các kênh tiếp xúc với cơ quan cảnh sát, an ninh, tình báo với các nước trên lĩnh vực bảo vệ an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Tăng cường hợp tác với các quốc gia, tổ chức, tập đoàn có trình độ phát triển cao về công nghệ thông tin để đào tạo nguồn nhân lực, tiếp thu công nghệ mới và kinh nghiệm bảo vệ an ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; thúc đẩy xây dựng các khuôn khổ pháp lý chung với các nước; tham gia các thỏa thuận quốc tế về phòng chống tội phạm công nghệ cao phù hợp với Việt Nam.
Bài báo đã phân tích thực trạng, những thách thức đối với an ninh mạng hiện nay như: bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Nhà nước trên không gian mạng; bảo vệ chủ quyền không gian mạng quốc gia; tấn công mạng, tội phạm mạng; làm chủ công nghệ mạng; đào tạo nguồn nhân lực an toàn thông tin... Từ những thách thức đặt ra, bài báo đã đưa ra các giải pháp để ứng phó với các thách thức an ninh mạng hiện nay, qua đó góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số, xã hội số tại Việt Nam.
Thiếu tướng, TS. Nguyễn Ngọc Cương (Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an)
09:00 | 16/06/2023
07:00 | 03/04/2023
08:00 | 09/04/2024
17:00 | 18/12/2023
07:00 | 17/10/2024
17:00 | 27/11/2024
Thủ tướng Chính phủ quyết định việc chia sẻ dữ liệu dùng riêng do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh quản lý để giải quyết tình trạng khẩn cấp.
09:00 | 18/11/2024
Chiều ngày 15/11, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Tổng kết phong trào thi đua năm 2024 của Khối thi đua Cục Cơ yếu các Bộ, ngành năm 2024.
14:00 | 16/10/2024
Trung Quốc sẽ triển khai một loạt các quy định an ninh mạng mới vào năm 2025, nhấn mạnh vào an ninh quốc gia và yêu cầu các công ty cung cấp dịch vụ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh phải tăng cường bảo vệ dữ liệu.
14:00 | 15/08/2024
Chuyển đổi từ Giao thức Internet (Internet Protocol - IP) Phiên bản 4 (IPv4) sang Phiên bản 6 (IPv6) là một bước tiến quan trọng trong việc đảm bảo sự phát triển bền vững của Internet trên toàn cầu. Với khoảng 4.3 tỷ địa chỉ IP, IPv4 không còn đủ để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các thiết bị kết nối Internet.