Nguyên nhân khách quan là trong thời gian qua, việc thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công trực tuyến còn chưa đầy đủ về quy định pháp luật; các chính sách hỗ trợ; nhận thức, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân. Một nguyên nhân quan trọng khác về mặt hạ tầng kỹ thuật là chưa có một nền tảng kỹ thuật thống nhất hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương; các ngân hàng thương mại và các tổ chức cung cấp dịch vụ trung gian thanh toán (gọi tắt là ngân hàng và trung gian thanh toán) kết nối, tích hợp để cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán trực tuyến.
Trong bối cảnh đó, việc thiết lập một hệ thống kỹ thuật cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán trực tuyến các khoản thuế, phí/lệ phí thủ tục hành chính, nộp tiền bảo hiểm xã hội, nộp phạt vi phạm hành chính, nộp tiền điện, tiền nước,... là giải pháp quan trọng thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 tại Việt Nam.
Sau 9 tháng triển khai, tới nay, Nền tảng thanh toán của Cổng Dịch vụ công quốc gia đã kết nối với 11 ngân hàng và trung gian thanh toán cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán trực tuyến qua tài khoản hoặc thẻ của hơn 43 ngân hàng cho các các dịch vụ của 12 Bộ, cơ quan và 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bài viết này sẽ cung cấp thông tin chi tiết các kết quả triển khai, mô hình kỹ thuật Nền tảng thanh toán của Cổng Dịch vụ công Quốc gia và một số đề xuất để đẩy mạnh thanh toán trực tuyến trong thời gian tới.
Trong giai đoạn vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quy định, chính sách để triển khai, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, như:
- Quyết định số 291/QĐ-TTg ngày 29/12/2006 phê duyệt “Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006 – 2010 và định hướng đến năm 2020;
- Nghị định số 101/2012/NĐ-CP ngày 22/11 2012 về thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ; Nghị định số 80/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 101/2012/NĐ-CP;
- Quyết định số 2545/QĐ-TTg ngày 30/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020;
- Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 về phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua Ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội;
Để tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 01/01/2020 về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2020. Trong đó chỉ rõ: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh yêu cầu 100% trường học, bệnh viện, công ty bán lẻ điện, công ty cấp, thoát nước, công ty vệ sinh môi trường, các công ty viễn thông, bưu chính trên địa bàn đô thị phối hợp với các ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán để thu học phí, viện phí, tiền điện... bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, ưu tiên giải pháp thanh toán trên thiết bị di động, thanh toán qua thiết bị chấp nhận thẻ. Gần đây nhất là Chỉ thị số 22/CT-TTg ngày 26/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam tại Hội nghị thường niên của hội năm 2020, tính đến cuối năm 2019, số lượng thẻ ngân hàng lưu hành tại Việt Nam đạt 103 triệu thẻ (tăng 19% so với năm 2018), bao gồm 88 triệu thẻ nội địa và gần 15 triệu thẻ quốc tế. Việc sử dụng thẻ ngân hàng để rút tiền mặt có xu hướng giảm đặc biệt đối với các thẻ nội địa trong thời gian bùng nổ đại dịch Covid-19, cụ thể: doanh số rút tiền mặt thẻ nội địa 6 tháng đầu năm 2020 chiếm 84% giảm 10% so với năm 2018.
Trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, doanh số sử dụng thẻ (trừ rút tiền mặt) tăng trưởng 50% trong 6 tháng đầu năm 2020. Các kênh thanh toán truyền thống như máy rút tiền ATM, điểm chấp nhận thanh toán (POS) có xu hướng chững lại hoặc giảm, trong khi các kênh thanh toán mới khác như thanh toán qua mã QR, mPOS,… tăng trưởng tốt. Đặc biệt, kênh thanh toán trực tuyến (Ecom) với thẻ nội địa tăng trưởng 81% trong 6 tháng đầu năm 2020.
Tuy nhiên tỷ lệ dịch vụ công mức 4 (cho phép thanh toán trực tuyến); tỷ lệ giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đối với các loại thuế, phí, lệ phí dịch vụ công còn thấp.
Một số Bộ, ngành, địa phương đã cung cấp giải pháp thanh toán trực tuyến thông qua việc kết nối với các ngân hàng và trung gian thanh toán như: Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao,..; các tỉnh, thành phố như: Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế,… Các giải pháp thanh toán thường do Ngân hàng và trung gian thanh toán cung cấp. Khi đó, người dân, doanh nghiệp phần lớn chỉ có thể sử dụng tài khoản của đơn vị đã kết nối với Bộ, cơ quan, địa phương để thanh toán trực tuyến.
Song song hành lang pháp lý về quy trình và cách thức còn chưa đầy đủ nên việc thanh toán trực tuyến đối với dịch vụ công vẫn còn hạn chế. Điều này chỉ được pháp lý hóa tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 của Chính phủ về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
Đánh giá của cơ quan, tổ chức quốc tế
Năm 2018, nhóm chuyên gia của Tạp chí tài chính nổi tiếng The Economist đã phát hành Báo cáo đánh giá về chỉ số sử dụng thanh toán trực tuyến của 73 quốc gia/vùng lãnh thổ theo 7 nhóm chỉ số: người dân với Chính phủ (C2G); Chính phủ với người dân (G2C); doanh nghiệp với Chính phủ (B2G); Chính phủ với doanh nghiệp (G2B); hạ tầng kỹ thuật; bối cảnh kinh tế, xã hội; chính sách.
Theo đó, mức độ sử dụng thanh toán được chia làm 4 mức trên thang điểm 100 gồm: phát triển (trên 75 điểm); khá (50 - 75 điểm); trung bình (25 - 50 điểm) và mới triển khai (dưới 25 điểm).
Theo báo cáo này, 10 quốc gia phát triển nhất gồm: Na Uy, Pháp, Đan Mạch, Canada, Úc, Anh, Hàn Quốc, Singapore, Phần Lan và Thụy Điển.
Việt Nam đạt 51,1 điểm, xếp cuối cùng nhóm Khá; hạng 62/73 quốc gia được đánh giá. Trong đó, chỉ số đánh giá mức độ thanh toán trực tuyến Chính phủ cung cấp cho người dân đạt mức trung bình, xếp hạng 68/73 quốc gia/vùng lãnh thổ (Bảng 1). Chỉ số này được đánh giá bởi các tiêu chí chính như sau: có nền tảng thanh toán trên Cổng Dịch vụ Công tập trung; thanh toán thuế thu nhập cá nhân; đóng bảo hiểm xã hội; thanh toán phí cấp căn cước công dân (ID card); phí giao thông: nộp phạt, đóng tiền đỗ xe; di chuyển bằng phương tiện công cộng.
Qua đánh giá này, có thể thấy rằng, trong những năm vừa qua đã có những bước phát triển đáng kể về thanh toán không dùng tiền mặt ở nước ta. Tuy nhiên, so với mặt bằng chung các nước trong khu vực và trên thế giới vẫn còn khá hạn chế.
Bảng 1. Mức độ cá nhân sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến của Chính phủ
Mức độ thanh toán trực tuyến |
Quốc gia/Vùng lãnh thổ (theo thứ tự điểm từ cao xuống thấp) |
Phát triển (Mature) |
38 quốc gia: Pháp, UAE, Argentina, Đan Mạch, Ấn Độ, Na Uy, Nga, Úc, Hồng Kông, Italy, Malaysia, Singapore, Hàn Quốc, Anh, Brazil, Canada, Đức, Ireland, Kazakhstan, Ba Lan, Thụy Điển, Ukraine, Bahrain, Phần Lan, Hungary, Nhật, Qatar, Saudi Arabia, Đài Loan, Hoa Kỳ, Colombia, Hy Lạp, Isarael, Hà Lan, New Zealand, Rwanda, Nam Phi, Tây Ban Nha |
Khá (Intermediate) |
25 quốc gia: Chi Lê, Georgia, Indonesia, Mexico, Peru, Serbia, Áo, Séc, Ai Cập, Azerbaijan, Trung Quốc, Ghana, Kuwait, Ma rốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Belarus, Ecuador, Kenya, Thái Lan, Venezuela, Cộng hòa Dominica, Oman, Costa Rica, Nigeria, Uganda |
Trung bình (Emerging) |
8 quốc gia: Li băng, Maritius, Pakistan, Philippines, Jordan, Tunisia, Việt Nam, Cambodia |
Mới triển khai (Nascent) |
2 quốc gia: Iraq, Mozambique |
Trong năm 2020, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản quy định và chính sách về thanh toán trực tuyến. Trong đó việc thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia được quy định tại 02 Nghị định, cụ thể như sau:
Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực Kho bạc nhà nước: “Nộp ngân sách nhà nước theo phương thức điện tử: là hình thức nộp ngân sách nhà nước thông qua Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế (cơ quan Thuế hoặc cơ quan Hải quan) hoặc Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc qua các dịch vụ thanh toán điện tử của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phù hợp với quy định của pháp luật về giao dịch điện tử và các quy định pháp luật khác có liên quan”.
Đặc biệt, Điều 13 về Thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trong giải quyết thủ tục hành chính tại Nghị định số 45/2020/NĐ-CP ngày 08/4/2020 quy định: “Tổ chức, cá nhân nộp phí, lệ phí, thuế và các nghĩa vụ tài chính khác (nếu có) trong giải quyết thủ tục hành chính thông qua chức năng thanh toán trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công cấp Bộ, cấp tỉnh hoặc bằng cách thức khác theo quy định của pháp luật”. Điều này quy định về các vấn đề liên quan thanh toán trực tuyến như: cách thức thực hiện việc thực hiện xác thực trong thanh toán trực tuyến nghĩa vụ tài chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; Thời điểm, mức nộp phí, lệ phí và các nghĩa vụ tài chính khác (nếu có); Chứng từ nộp ngân sách nhà nước; Phí dịch vụ thanh toán trực tuyến; Trách nhiệm của ngân hàng hoặc tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị giải quyết thủ tục hành chính.
Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoạt động trên tên miền dichvucong.gov.vn là một hợp phần quan trọng trong việc xây dựng Chính phủ điện tử, góp phần giải quyết mối quan hệ giữa Chính phủ với doanh nghiệp, người dân. Cổng Dịch vụ công Quốc gia được khai trương vào ngày 09/12/2019, là một trong những sự kiện nổi bật về xây dựng Chính phủ điện tử tại Việt Nam.
Cổng Dịch vụ công Quốc gia là “một cửa” duy nhất trên môi trường điện tử đối với các cá nhân, tổ chức. Theo đó, các cá nhân, tổ chức có thể dễ dàng tra cứu thông tin, dịch vụ công trên toàn toàn quốc; Sử dụng một tài khoản thực hiện dịch vụ công trên toàn quốc; Gửi phản ánh kiến nghị liên quan đến việc giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công. Bên cạnh đó, Cổng Dịch vụ công Quốc gia cho phép theo dõi toàn bộ quá trình giải quyết thủ tục hành chính và xử lý phản ánh kiến nghị; Sử dụng tài khoản của các ngân hàng, trung gian thanh toán để thanh toán trực tuyến phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính; nộp thuế; nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ; đóng bảo hiểm xã hội; đóng tiền điện.
Sau 1 năm hoạt động, Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã tích hợp, cung cấp trên 2.500 dịch vụ công trực tuyến trên tổng số gần 7.000 thủ tục hành chính tại 4 cấp chính quyền. Đã có trên 95 triệu lượt truy cập tra cứu, tích hợp, chia sẻ thông tin dữ liệu với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã có trên 400 nghìn tài khoản của các cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan nhà nước được đăng ký; trên 26 triệu hồ sơ đồng bộ trạng thái để tra cứu tình trạng xử lý; trên 670 nghìn hồ sơ thực hiện trực tuyến trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia; tiếp nhận 9,4 nghìn phản ánh, kiến nghị và hỗ trợ trên 42 nghìn cuộc gọi của người dân, doanh nghiệp.
Cổng Dịch vụ công Quốc gia góp phần chuẩn hóa việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp, Cổng dịch vụ công, hệ thống một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh; hạn chế việc đầu tư dàn trải qua việc cung cấp các nền tảng, dữ liệu dùng chung bao gồm: CSDL quốc gia về thủ tục hành chính; Hệ thống tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị; Nền tảng Nền tảng trao đổi định danh điện tử (VNConnect); Nền tảng thanh toán (PaymentPlatform).
Về quan điểm thiết kế: Nền tảng thanh toán (PP) có quan điểm thiết kế phù hợp với nguyên tắc chung của Cổng Dịch vụ công Quốc gia, theo đó, kế thừa các giải pháp thanh toán trực tuyến các Bộ, ngành, địa phương đã cung cấp cho người dân, doanh nghiệp.
Đối với các Bộ, ngành, địa phương đã cung cấp giải pháp thanh toán trực tuyến: Việc kết nối với Nền tảng thanh toán cung cấp cho người dân, doanh nghiệp các hình thức thanh toán bổ sung, đang dạng hóa phương thức thanh toán tạo thuận lợi cho người sử dụng.
Đối với những Bộ, ngành, địa phương chưa cung cấp giải pháp thanh toán trực tuyến: tích hợp, dùng chung Nền tảng thanh toán của Cổng Dịch vụ công Quốc gia; tránh đầu tư trùng lắp.
Nền tảng thanh toán được cung cấp để thanh toán không chỉ với các hồ sơ được thực hiện trực tuyến mà còn cả với các hồ sơ thực hiện trực tiếp tại các Bộ, ngành, địa phương.
Về mô hình kỹ thuật: Nền tảng thanh toán của Cổng Dịch vụ công Quốc gia đóng vai trò cầu nối kỹ thuật, chuẩn hóa thông tin dữ liệu yêu cầu thanh toán của các Bộ, ngành, địa phương và dữ liệu trạng thái giao dịch, biên lai điện tử của ngân hàng, trung gian thanh toán. Việc trao đổi thông tin dữ liệu giữa các Bộ, ngành, địa phương với các ngân hàng, trung gian thanh toán được thực hiện bởi Nền tảng thanh toán. Nền tảng này đóng vai trò giám sát, ghi lại lịch sử trao đổi giữa các đơn vị và cung cấp thông tin, công cụ hỗ trợ các Bộ, ngành, địa phương; các ngân hàng và trung gian rà soát, đối chiếu dữ liệu giao dịch thanh toán theo thời gian thực.
Nền tảng thanh toán của Cổng Dịch vụ công Quốc gia không chỉ đóng vai trò của một cổng thanh toán trực tuyến (Payment Gateway) mà là một hệ thống tích hợp với các ngân hàng, trung gian thanh toán để cung cấp chức năng thanh toán trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Nền tảng thanh toán chuẩn hóa các kết nối của các Ngân hàng và trung gian thanh toán theo các tiêu chí nhất định nhằm tạo thuận tiện cho người dân có thể sử dụng bất kỳ thẻ/tài khoản ngân hàng/ví điện tử nào để thanh toán phí, lệ phí thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công.
Hình 1. Mô hình kết nối Nền tảng thanh toán với Cổng Dịch vụ công, HTTTT một cửa điện tử cấp Bộ, cấp tỉnh và các ngân hàng, trung gian thanh toán
Hình 2. Quy trình thanh toán trực tuyến sử dụng Nền tảng thanh toán
Các cá nhân, tổ chức có thể thực hiện thanh toán trực tuyến qua Nền tảng thanh toán trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia hoặc trên Cổng dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương. Quy trình đối với các loại dịch vụ thanh toán khác nhau (như thu phạt vi phạm hành chính; nộp thuế; phí, lệ phí thủ tục hành chính; đóng bảo hiểm xã hội) có sự sai khác nhất định, nhưng sẽ trải qua các bước chính như sau (Hình 2):
Bước 1: Người dùng tra cứu mã hồ sơ dịch vụ công hoặc mã số quyết định xử phạt vi phạm hành chính hoặc mã thẻ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội hoặc mã số thuế,…cần thanh toán. Cổng Dịch vụ công Quốc gia hiển thị trạng thái, yêu cầu thanh toán (số tiền, loại dịch vụ, tài khoản thụ hưởng,…) được đồng bộ từ Cổng Dịch vụ công Bộ, ngành, địa phương lên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Hình 3. Màn hình tra cứu quyết định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ (Bước 1)
Bước 2: Thực hiện "đăng nhập" trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Bước 3: Chuyển sang giao diện của nền tảng thanh toán để chọn "ngân hàng, trung gian thanh toán" đã kết nối với Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Hình 4. Bước 3 - chọn phương thức thanh toán
Bước 4: "Đăng nhập tài khoản ngân hàng, trung gian thanh toán" hoặc đăng nhập một lần từ Cổng Dịch vụ công quốc gia đã liên kết với tài khoản ngân hàng, trung gian thanh toán.
Bước 5: Các thông tin thanh toán đã được chuyển từ yêu cầu thanh toán của Bộ, ngành, địa phương tới các ngân hàng, trung gian thanh toán qua Nền tảng thanh toán. Người dùng xác nhận việc thanh toán.
Hình 5. Bước 5 - xác nhận thanh toán qua Ví điện tử Momo
Bước 6: Trường hợp thanh toán thành công, Ngân hàng, trung gian thanh toán lập biên lai hoặc chứng từ thanh toán (theo quy định tại Nghị định 11/2020/NĐ-CP ngày 20/01/2020 của Chính phủ về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực kho bạc nhà nước) và thông tin đã trích nộp vào ngân sách nhà nước (trạng thái thanh toán) được gửi cho người nộp ngân sách và cơ quan, đơn vị giải quyết thủ tục (Cổng dịch vụ công Bộ, ngành, địa phương) để thực hiện các bước tiếp theo trong giải quyết thủ tục hành chính.
Trường hợp thanh toán không thành công: thông báo tới người dùng, sử dụng các phương thức, tài khoản khác để thanh toán trực tuyến.
Bước 7: Các thông tin về hồ sơ bao gồm chứng từ, trạng thái thanh toán được đồng bộ từ Cổng dịch vụ công của bộ, ngành, địa phương lên Cổng Dịch vụ công quốc gia (tài khoản người dùng liên kết với tài khoản Cổng Dịch vụ công quốc gia).
Nền tảng thanh toán được triển khai chính thức từ ngày 13/3/2020 tại Hội nghị công bố dịch vụ công trực tuyến, sơ kết 03 tháng vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia và ra mắt Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ do Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Tại thời điểm đó, Nền tảng thanh toán được kết nối với Hệ thống xử lý vi phạm giao thông của Cục Cảnh sát giao thông và Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và trung gian thanh toán VNPTPay cho phép người vi phạm thực hiện nộp phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ thuộc thẩm quyền của lực lượng Cảnh sát giao thông tại 05 tỉnh, thành phố.
Sau 9 tháng triển khai chính thức, Nền tảng thanh toán đã kết nối với 4 ngân hàng (Ngoại thương Việt Nam, Công Thương Việt Nam, Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), 6 trung gian thanh toán (VNPTPay, Momo, Ngân lượng, Payoo, NAPAS, ZaloPay) và Hệ thống thanh toán thương mại điện tử quốc gia (Keypay). Từ đó, cho phép cá nhân, tổ chức có thể thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt từ tài khoản của 43/46 ngân hàng (trừ một số ngân hàng của nước ngoài) đối với 05 loại hình thanh toán (thu phạt vi phạm giao thông; phí, lệ phí thủ tục hành chính; nộp thuế; đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; đóng tiền điện) đối với dịch vụ tại 12 Bộ, ngành và 51/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Số giao dịch thanh toán trực tuyến hàng tháng tăng trưởng tốt kể từ khi được cung cấp. Tới nay, sau 9 tháng đã đạt trên 41 nghìn giao dịch với tổng số tiền khoảng 13 tỷ đồng.
Trong thời gian tới đây, Nền tảng thanh toán dự kiến mở rộng tới các lĩnh vực thiết yếu khác với cá nhân, tổ chức như: thanh toán tiền nước, tiền phí dịch vụ y tế, giáo dục (viện phí, học phí), nghĩa vụ tài chính trong lĩnh vực đất đai,…
Nền tảng thanh toán là một trong các hợp phần chính của Cổng Dịch vụ công Quốc gia. Nền tảng thanh toán không phải là một Cổng thanh toán trực tuyến, mà là một hệ thống tích hợp, chia sẻ thông tin giữa Bộ, cơ quan, địa phương (bao gồm các đơn vị sự nghiệp công lập như: bệnh viên, trường học, công ty cấp nước,…) với các ngân hàng thương mại, trung gian thanh toán để cung cấp giải pháp thanh toán trên môi trường điện tử cho các cá nhân, tổ chức. Nền tảng thanh toán bảo đảm nguyên tắc kế thừa các giải pháp thanh toán trực tuyến các Bộ, cơ quan, địa phương đã triển khai. Đối với những Bộ, ngành, địa phương chưa cung cấp giải pháp thanh toán trực tuyến sẽ tích hợp sử dụng Nền tảng thanh toán.
Nền tảng thanh toán được cung cấp để thanh toán không chỉ với các hồ sơ được thực hiện trực tuyến mà còn cả với các hồ sơ thực hiện trực tiếp tại các Bộ, ngành, địa phương.
Như vậy, Nền tảng thanh toán của Cổng Dịch vụ công Quốc gia không chỉ đa dạng các phương thức thanh toán, tạo thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa các ngân hàng, trung gian thanh toán từ đó cung cấp dịch vụ chất lượng với chi phí phù hợp với nhu cầu của cá nhân, tổ chức. Nền tảng này còn giúp tiết kiệm kinh phí, nguồn lực xây dựng, quản lý, vận hành của các Bộ, cơ quan, địa phương; các ngân hàng, trung gian thanh toán.
Nền tảng thanh toán đã cho phép cá nhân, tổ chức thanh toán không dùng tiền mặt từ tài khoản hoặc thẻ của tất cả các ngân hàng tại Việt Nam (trừ một số ngân hàng nước ngoài có mặt tại Việt Nam) với các khoản thuế; phí, lệ phí thủ tục hành chính; thu phạt vi phạm hành chính; đóng bảo hiểm xã hội; đóng tiền điện;…
Nền tảng thanh toán của Cổng Dịch vụ công Quốc gia là một giải pháp quan trọng đóng vai trò nền tảng (Government as a Platform) thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt cả khu vực các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và khu vực tư nhân (các ngân hàng, trung gian thanh toán); góp phần nâng cao thứ hạng xếp hạng Chính phủ điện tử của Việt Nam, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.
Nguyễn Đình Lợi, Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ
17:00 | 10/12/2020
18:00 | 30/12/2020
16:00 | 11/06/2020
22:00 | 01/01/2021
10:00 | 12/05/2020
15:00 | 22/03/2022
09:00 | 07/05/2021
09:00 | 18/07/2024
Mới đây, Bộ Công an đã thông tin về tình trạng tin nhắn tin nhắn thương hiệu (SMS Brandname) giả mạo phần lớn xuất phát từ việc các đối tượng sử dụng trạm phát sóng BTS giả mạo để gửi hàng loạt tin nhắn lừa đảo tới người dùng với mục đích nhằm chiếm đoạt tài sản.
10:00 | 20/05/2024
Công nghệ Blockchain hiện nhận được nhiều sự quan tâm, nghiên cứu và ứng dụng trên toàn thế giới, với nhiều nền tảng có thể kể đến như Bitcoin, Etherum, Solana, Polygon…. Bài báo này tập trung trình bày về các công nghệ Blockchain phổ biến hiện nay, tiến hành so sánh, đánh giá đặc điểm của những công nghệ này và đưa ra các lưu ý khi sử dụng trong thực tế.
09:00 | 04/04/2024
Mạng riêng ảo (VPN) xác thực và mã hóa lưu lượng truy cập mạng để bảo vệ tính bí mật và quyền riêng tư của người dùng ngày càng được sử dụng phổ biến trong cả môi trường cá nhân và doanh nghiệp. Do đó, tính bảo mật của VPN luôn là chủ đề nghiên cứu nhận được nhiều sự quan tâm. Bài báo sẽ trình bày hai tấn công mới khiến máy khách VPN rò rỉ lưu lượng truy cập bên ngoài đường hầm VPN được bảo vệ thông qua khai thác lỗ hổng TunnelCrack. Hai tấn công này đã được xác nhận là có khả năng ảnh hưởng đến hầu hết các VPN của người dùng. Ngoài ra, nhóm tác giả cũng đưa ra các biện pháp đối phó để giảm thiểu các cuộc tấn công lợi dụng lỗ hổng này trong thực tế.
10:00 | 31/01/2024
Các nhà nghiên cứu tại hãng bảo mật Kaspersky đã phát triển một kỹ thuật mới có tên là iShutdown để có thể phát hiện và xác định các dấu hiệu của một số phần mềm gián điệp trên thiết bị iOS, bao gồm các mối đe dọa tinh vi như Pegasus, Reign và Predator. Bài viết sẽ cùng khám phát kỹ thuật iShutdown dựa trên báo cáo của Kaspersky.
Trong thời đại ngày nay, cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật có ngày càng nhiều những cuộc tấn công vào phần cứng và gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng. So với các loại tấn công khác, tấn công qua kênh kề đang được nghiên cứu do khả năng khôi phục lại khóa bí mật trong khi hệ thống vẫn hoạt động bình thường mà không hề làm thay đổi phần cứng. Bài báo này sẽ trình bày một cách sơ lược về những kết quả cuộc tấn công kênh kề lên mã hóa RSA cài đặt trên điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Android tại Viện Khoa học - Công nghệ mật mã. Nhóm tác giả đã tấn công khôi phục được một phần khóa bí mật của mã hóa RSA cài đặt trên điện thoại thông minh và chứng minh khả năng rò rỉ thông tin qua kênh kề.
14:00 | 11/09/2024
Trong thời đại kỹ thuật số ngày nay, ransomware đã trở thành một trong những mối đe dọa nguy hiểm nhất đối với cả cá nhân lẫn tổ chức. Đây không chỉ là một loại phần mềm độc hại, mà còn là một công cụ về chính trị và kinh tế của các nhóm tội phạm mạng. Ransomware không chỉ gây tổn thất về tài chính mà còn đe dọa đến sự bảo mật thông tin, uy tín và hoạt động kinh doanh của các tổ chức. Bài báo này sẽ trang bị một số kỹ năng cần thiết cho các tổ chức để thực hiện các biện pháp giúp giảm thiểu tác động của các cuộc tấn công ransomware, nhấn mạnh việc triển khai một cách chủ động để bảo vệ hệ thống trước các mối nguy hiểm tiềm tàng.
10:00 | 04/10/2024