Hoạt động của các loại tội phạm mạng nói chung, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng diễn ra ngày càng phức tạp, gây thiệt hại lớn về kinh tế, ảnh hưởng tình hình an ninh thông tin, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân. Vì vậy, nhiệm vụ xây dựng thế trận toàn dân phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng hiện nay là hết sức cấp thiết đòi hỏi phải có những chính sách, chiến lược toàn diện và hiệu quả để thực hiện thành công góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Số lượng người dùng Internet tại Việt Nam đang phát triển mạnh với hơn 79 triệu người (chiếm 79% dân số), số lượng người dùng mạng xã hội là hơn 70 triệu người (chiếm 70% dân số), trung bình mỗi người Việt Nam dành hơn 6 giờ để sử dụng Internet mỗi ngày. Điều đó cho thấy nước ta đang khai thác tối đa những giá trị to lớn của khoa học công nghệ, không gian mạng đem lại, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đất nước. Cùng với những lợi ích mà Internet mang lại, cũng xuất hiện ngày càng nhiều các hình thức phạm tội mới trên không gian mạng. Trên thế giới, hoạt động lợi dụng không gian mạng để tiến hành phạm tội, nổi lên là lừa đảo trực tuyến triệt để lợi dụng công nghệ mới nhất, gia tăng cả về phạm vi, quy mô với thủ đoạn tinh vi (chiếm 57% tổng số tội phạm mạng).
Trong năm 2023, theo số liệu thống kê của lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phát hiện, tiếp nhận hơn 3.500 vụ việc, tổng số tiền thiệt hại hơn 2.487 tỷ đồng, tập trung chủ yếu các phương thức lừa đảo như: Tuyển cộng tác viên tham gia kinh doanh, buôn bán, giới thiệu sản phẩm “làm nhiệm vụ” trên “các ứng dụng, sàn thương mại điện tử” (chiếm 44,7%); phát tán các mã độc, tấn công chiếm quyền điều khiển tài khoản mạng xã hội để nhắn tin lừa đảo (chiếm 17,3%); gọi điện giả danh lực lượng chức năng Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, nhân viên ngân hàng, viễn thông... (chiếm 11,6%); tạo lập các sàn giao dịch, kêu gọi đầu tư tài chính, tiền ảo, chứng khoán (chiếm 13,2%); giả danh công ty tài chính, ứng dụng vay tiền (chiếm 8,5%); một số hình thức lừa đảo khác (chiếm 4,7%).
Các đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hoạt động chuyên nghiệp, có tổ chức, phân công vai trò cụ thể, xây dựng kịch bản chi tiết trong từng giai đoạn phạm tội. Số đối tượng cầm đầu thường là người nước ngoài, chúng thành lập các “công ty” chuyên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng, đứng chân tại địa bàn các quốc gia láng giềng Việt Nam để thuê người Việt Nam hoạt động phạm tội nhằm vào người dân Việt Nam.
Các đối tượng thường học hỏi lẫn nhau, chia sẻ những phương thức, thủ đoạn mới, cập nhật kịch bản thường xuyên, liên tục và triệt để lợi dụng khoa học công nghệ, những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý của cơ quan chức năng để thực hiện hành vi phạm tội, gây khó khăn trong công tác xác minh, điều tra để che giấu thông tin, xóa dấu vết phạm tội. Trong khi đó, nạn nhân của các vụ lừa đảo đa phần thiếu ý thức cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn hoạt động lừa đảo trên không gian mạng, không có kiến thức về bảo mật thông tin và các hoạt động tố tụng hình sự; khi trình báo sự việc, nạn nhân không biết thông tin về đối tượng hay nguyên nhân mất tiền trong tài khoản của mình.
Trước diễn biến phức tạp, phương thức, thủ đoạn tinh vi của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Cục A05) đã xác định: “Đây không chỉ là nhiệm vụ riêng của lực lượng Công an, mà phải cần có sự tham gia, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp của các bộ, ngành, cơ quan, doanh nghiệp và người dân”.
Với quan điểm nêu trên, Cục A05 đã trực tiếp tham mưu cho Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an triển khai nhiều nhiệm vụ công tác nhằm huy động sức mạnh, hình thành thế trận toàn dân phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng như sau:
Thứ nhất, Cục đã tham mưu xây dựng, ban hành chủ trương, chính sách, pháp luật; thành lập Hiệp hội An ninh mạng quốc gia nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, xây dựng cầu nối giữa cơ quan quản lý nhà nước với các tổ chức, doanh nghiệp và giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân để triển khai các giải pháp, công tác phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
Thứ hai, chỉ đạo lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao trên toàn quốc triển khai đồng bộ lực lượng, phương tiện nghiệp vụ tiến hành rà soát, phát hiện các mục tiêu, đối tượng nghi vấn có hoạt động lừa đảo trên không gian mạng để đấu tranh, xử lý. Kết quả, trong năm 2023 các đơn vị đã đấu tranh, khởi tố hơn 1.500 vụ án, với hơn 500 bị can góp phần bảo đảm trật tự an toàn xã hội, răn đe trấn áp các loại tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
Thứ ba, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước tham mưu, triển khai giải pháp rà soát, định danh, xác thực thuê bao di động, tài khoản ngân hàng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhằm hạn chế tình trạng SIM “rác”, tài khoản ngân hàng “rác”; áp dụng phương thức xác thực sinh trắc học đối với các giao dịch chuyển tiền ngân hàng hoặc nộp vào ví điện tử với các định mức cụ thể nhằm ngăn chặn, hạn chế giao dịch, chuyển nhận dòng tiền vi phạm pháp luật theo Quyết định số 2345/QĐ- NHNN ngày 18/12/2023 của Ngân hàng Nhà nước.
Thứ tư, tăng cường các biện pháp công tác quản lý nhà nước, huy động sự tham gia, phối hợp của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông trong, ngoài nước, các ngân hàng thương mại trong đấu tranh phòng, chống tội phạm lừa đảo, như:
- Phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông, Internet trong nước, ngân hàng thương mại tiến hành rà soát, ngăn chặn hàng chục nghìn trang mạng, tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng... liên quan hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.
- Tổ chức các buổi làm việc với các đơn vị cung cấp dịch vụ xuyên biên giới Google, Facebook... triển khai các giải pháp kiểm soát, ngăn chặn, phối hợp cung cấp thông tin liên quan tội phạm mạng nói chung, tội phạm lừa đảo qua mạng nói riêng.
Thứ năm, triển khai tuyên truyền “Chiến dịch phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng”. Trong Quý I/2024, lực lượng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng, đăng tải hơn 66.000 tin, bài viết, video tuyên truyền tới toàn thể người dân cảnh giác trước các phương thức, thủ đoạn tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
Trung tướng Nguyễn Minh Chính trình bày tham luận tại Hội thảo Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng, ngày 13/5, tại Hà Nội.
Thời gian tới, cùng với quá trình phát triển của công nghệ thông tin, mạng Internet, các loại tội phạm mạng nói chung, cũng như tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng nói riêng sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi hơn. Để giải quyết triệt để các tồn tại, hạn chế nêu trên, góp phần xây dựng, triển khai hiệu quả thế trận toàn dân trong phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng, Cục A05 đưa ra một số giải pháp, kiến nghị như sau:
Thứ nhất, tham mưu xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước đối với thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng, gắn với thế trận toàn dân phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.
Vì thực tiễn hiện nay chưa có lý luận, quy định pháp luật, văn bản hướng dẫn triển khai về thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng, thế trận toàn dân phòng, chống tội phạm lừa đảo trên không gian mạng nên chưa hình thành hệ thống, mô hình, quy trình và quy chế thực hiện đồng bộ, thống nhất; các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, người dân chưa nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc triển khai.
Thời gian tới, Cục A05 sẽ tập trung tham mưu xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực an ninh mạng, Nghị định quy định điều kiện kinh doanh sản phẩm, dịch vụ an ninh mạng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm mạng nói chung, tội phạm lừa đảo qua mạng nói riêng.
Thứ hai, triển khai đa dạng các hình thức, nội dung tuyên truyền, kêu gọi sự tham gia của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân triển khai hiệu quả, sâu rộng các chiến dịch tuyên truyền phòng, chống tội phạm lừa đảo.
Ngoài việc phối hợp với các cơ quan truyền thông, báo chí trong nước, Cục A05 đề nghị các Kols, hội nhóm lớn trên không gian mạng phối hợp, thực hiện các chiến dịch tuyên truyền.
Phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp sở hữu nền tảng truyền thông lớn trên không gian mạng, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam để tổ chức tuyên truyền.
Cục A05 hiện đang phối hợp với Hiệp hội An ninh mạng quốc gia xây dựng các bộ phim ngắn về một số phương thức, thủ đoạn tội phạm công nghệ cao. Sau khi hoàn thành, đề nghị các thành viên trong Hiệp hội thông qua các hệ thống truyền thông của mình để lan toả tuyên truyền trên không gian mạng.
Nghiên cứu, xây dựng, thử nghiệm kênh liên lạc bảo mật tương tác trực tiếp giữa lực lượng Công an với người dân để tuyên truyền, cảnh báo về những phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, cũng như tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm của người dân một cách kịp thời, nhanh chóng để đấu tranh, xử lý hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại về kinh tế.
Thứ ba, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước triển khai đồng bộ các giải pháp, công tác quản lý nhà nước nhằm ngăn chặn, xóa bỏ các nguyên nhân, điều kiện tội phạm lừa đảo lợi dụng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
Trong thời đại số hóa, việc xây dựng thế trận toàn dân phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng. Cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của người dân về các nguy cơ trên không gian mạng, đồng thời phát triển các biện pháp bảo mật tiên tiến và hoàn thiện hệ thống pháp lý để xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Sự hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, doanh nghiệp và cộng đồng là yếu tố then chốt để tạo nên một môi trường mạng an toàn, bảo vệ tài sản và thông tin cá nhân của người dân, qua đó ổn định tình hình an ninh quốc gia và thúc đẩy phát triển bền vững.
Trung tướng Nguyễn Minh Chính, Cục trưởng Cục An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Bộ Công an, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội An ninh mạng quốc gia
13:00 | 22/12/2022
14:00 | 22/12/2022
17:00 | 13/05/2024
13:00 | 13/09/2024
Theo tờ Financial Times đưa tin, Mỹ, Anh và Liên minh Châu Âu (EU) dự kiến sẽ ký công ước quốc tế đầu tiên về việc sử dụng AI có tính ràng buộc về mặt pháp lý.
16:00 | 18/05/2024
An ninh mạng và trí tuệ nhân tạo (AI) ngày càng được kết nối với nhau chặt chẽ hơn, trong đó AI đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường các biện pháp an ninh mạng. Sự tích hợp này không phải là mới nhưng nó đã phát triển theo thời gian khi những tiến bộ về khoa học công nghệ và các mối đe dọa mạng có tính chất tinh vi hơn.
14:00 | 10/05/2024
Mục tiêu xây dựng cường quốc không gian mạng được Trung Quốc khởi động từ Đại hội XVIII (2012) và được phản ánh trong nhiều chính sách lớn như Chiến lược Quân sự năm 2015 và Chiến lược An ninh mạng năm 2016, thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ Trung Quốc trong việc nâng cao sức mạnh quốc gia trong lĩnh vực không gian mạng. Bài báo sẽ trình bày về chiến lược xây dựng cường quốc không gian mạng của Trung quốc, những thành tựu đã đạt được và các giải pháp để thực hiện.
09:00 | 26/03/2024
Những năm gần đây, Phần Lan cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới phải đứng trước thách thức ngày càng lớn từ các mối đe dọa an ninh mạng. Các cơ quan, doanh nghiệp Phần Lan đang trở thành mục tiêu nhắm đến của các cuộc tấn công mạng. Số lượng thông báo liên quan đến vi phạm bảo mật dữ liệu mà Cơ quan Giao thông và Truyền thông Phần Lan (Traficom) nhận được ngày càng gia tăng qua từng năm. Một phần của sự gia tăng này bị ảnh hưởng bởi sự quan tâm và nhận thức về an ninh mạng đã tăng lên, ngoài ra còn do tác động của những hoạt động tấn công mạng nhắm mục tiêu vào Phần Lan, từ khi quốc gia này trở thành thành viên mới của NATO.