Ngày 21/3, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) đã thông qua nghị quyết đầu tiên liên quan tới lĩnh vực AI. Đây được xem là bước đi lịch sử để thúc đẩy các hệ thống AI hoạt động "an toàn, bảo mật và đáng tin cậy" nhằm mang lại lợi ích là sự phát triển bền vững cho tất cả mọi người.
Nghị quyết về việc thúc đẩy các hệ thống AI hoạt động "an toàn, bảo mật và đáng tin cậy" do Mỹ đề xuất đã được thông qua bằng hình thức đồng thuận của hơn 120 nước thành viên LHQ và không cần bỏ phiếu. Đại hội đồng đã nêu bật tầm quan trọng của việc tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền trong quá trình thiết kế, phát triển, triển khai và sử dụng AI, đồng thời kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên và các bên liên quan "kiềm chế hoặc chấm dứt việc sử dụng các hệ thống AI không phù hợp với luật nhân quyền quốc tế hay gây ra những rủi ro quá mức đối với việc thực hành nhân quyền".
Đại hội đồng hối thúc các nước thành viên LHQ, khu vực tư nhân, xã hội dân sự, các tổ chức nghiên cứu và phương tiện truyền thông phát triển và hỗ trợ các phương pháp điều hành, quản trị việc sử dụng AI một cách an toàn, bảo mật và đáng tin cậy. Nghị quyết đề nghị các nước thành viên LHQ và các bên liên quan hợp tác, hỗ trợ các quốc gia đang phát triển để họ có thể thụ hưởng việc tiếp cận toàn diện, công bằng, thu hẹp khoảng cách và nâng cao trình độ kỹ thuật số.
LHQ cũng ghi nhận tiềm năng của AI trong việc thúc đẩy và hiện thực hóa 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Đây là lần đầu tiên LHQ thông qua một nghị quyết nhằm điều chỉnh AI, lĩnh vực mới nổi và đang được thế giới quan tâm đặc biệt.
Ngày 30/10 tại Washington, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành sắc lệnh hành pháp nhằm giảm thiểu những rủi ro mà công nghệ AI có thể gây ra, thiết lập các tiêu chuẩn mới về an toàn và bảo mật, bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh trong lĩnh vực AI.
Theo Nhà Trắng, sắc lệnh yêu cầu các công ty khi phát triển các hệ thống AI mà có nguy cơ gây rủi ro cho an ninh và nền kinh tế quốc gia, sức khỏe hoặc an toàn cộng đồng phải chia sẻ kết quả kiểm tra an toàn với Chính phủ Mỹ trước khi công bố rộng rãi. Sắc lệnh cũng chỉ đạo các cơ quan chức năng của Chính phủ Mỹ thiết lập các tiêu chuẩn, công cụ và thử nghiệm để giúp đảm bảo các hệ thống AI an toàn, bảo mật và đáng tin cậy.
Tổng thống Biden đã kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua luật bảo mật dữ liệu lưỡng đảng để bảo vệ quyền riêng tư của người dân, trong đó có những rủi ro do AI gây ra. Để thúc đẩy sự công bằng và quyền công dân, Chính quyền Mỹ kêu gọi cung cấp các hướng dẫn cụ thể nhằm ngăn chặn việc sử dụng thuật toán AI làm trầm trọng thêm tình trạng phân biệt đối xử. Sắc lệnh kêu gọi thúc đẩy việc sử dụng AI có trách nhiệm, đồng thời yêu cầu lập báo cáo về tác động tiềm tàng của AI đối với thị trường lao động.
Tổng thống Biden cũng chỉ đạo soạn thảo các nguyên tắc và giải pháp để giảm thiểu tác hại và tối đa hóa lợi ích của AI đối với người lao động. Ngoài ra, sắc lệnh khuyến khích xúc tiến nghiên cứu AI trên toàn nước Mỹ, thúc đẩy hệ sinh thái AI công bằng, cởi mở và cạnh tranh. Sắc lệnh trên là bước đi mới nhất của Chính quyền Mỹ nhằm thiết lập các khuôn khổ quản lý AI trong bối cảnh lĩnh vực này đã có sự phát triển mạnh mẽ làm cơ sở nền tảng Nghị quyết về việc thúc đẩy hoạt động của các hệ thống AI.
Ngày 13/3, Nghị viện châu Âu đã thông qua lần cuối về Luật quản lý AI. Năm năm sau khi lần đầu tiên đề xuất, các nhà lập pháp tại Nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu thông qua Đạo luật AI. Đạo luật này sẽ đóng vai trò hướng dẫn toàn cầu cho các quốc gia khác đang gặp khó khăn trong quản lý AI - loại công nghệ đang phát triển nhanh chóng mà chương trình ChatGPT của công ty OpenAI là một ví dụ điển hình.
Cụ thể, tại phiên họp toàn thể diễn ra tại Strasbourg (Pháp), 523 nghị sĩ châu Âu đã bỏ phiếu thông qua Đạo luật AI. Đạo luật này cần được cơ quan lập pháp của 27 quốc gia thành viên EU thông qua vào tháng 4 trước khi được công bố trên Công báo chính thức EU vào tháng 5 hoặc tháng 6.
Theo Đạo luật AI mà Nghị viện châu Âu vừa thông qua, có các bộ tiêu chí phân loại các hệ thống AI dựa trên mức độ rủi ro mà chúng có thể gây ra cho người dùng, gồm các cấp độ: rủi ro không thể chấp nhận được, rủi ro cao, rủi ro hạn chế, rủi ro thấp.
Các công ty có thể chọn tuân theo các yêu cầu tự nguyện và quy tắc ứng xử. Còn những trường hợp không tuân thủ các quy định bắt buộc có thể bị phạt tới 35 triệu euro hoặc 7% doanh thu toàn cầu tùy thuộc hành vi vi phạm và quy mô của các công ty. Nghị viện châu Âu cũng đã đề xuất thành lập Văn phòng AI. Đây là một cơ quan mới của EU để hỗ trợ áp dụng hài hòa Đạo luật AI, hướng dẫn và điều phối các cuộc điều tra chung xuyên biên giới.
Các quy định liên quan đến các mô hình AI như ChatGPT sẽ có hiệu lực sau 12 tháng từ khi Đạo luật chính thức được ban hành. Sau đó, các công ty phải tuân thủ hầu hết các quy định khác sau 2 năm.
Với sự phát triển các mô hình AI mới như ChatGPT của OpenAI đã khiến các nhà hoạch định chính sách EU phải nỗ lực theo kịp. Trong Đạo luật AI mới đã bổ sung các điều khoản cho mô hình AI tạo sinh - công nghệ nền tảng của các hệ thống chatbot AI có thể tạo ra các phản hồi, hình ảnh độc đáo và sống động như thật.
Các nhà phát triển mô hình AI nói chung, từ các công ty khởi nghiệp châu Âu đến OpenAI và Google sẽ phải cung cấp bản tóm tắt chi tiết về văn bản, hình ảnh, video và dữ liệu khác trên Internet mà họ sử dụng để đào tạo hệ thống AI cũng như phải tuân theo luật bản quyền của EU. Hình ảnh, video hoặc âm thanh do AI tạo ra về người, địa điểm hoặc sự kiện phải có nhãn thông báo.
Tại Mỹ, các nhà lập pháp ở ít nhất 7 bang cũng đang nghiên cứu luật AI riêng trong bối cảnh ngày 30/10/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ban hành sắc lệnh hành pháp nhằm giảm thiểu những rủi ro mà AI có thể gây ra, thiết lập các tiêu chuẩn mới về an toàn và bảo mật, bảo vệ quyền riêng tư của người dùng, thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh trong lĩnh vực AI.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề xuất Sáng kiến Quản trị AI Toàn cầu để sử dụng AI một cách công bằng và an toàn. Các nhà chức trách nước này đã ban hành các biện pháp tạm thời để quản lý AI tạo sinh, áp dụng cho văn bản, hình ảnh, âm thanh, video và các nội dung khác được tạo ra cho người dân ở Trung Quốc.
Ngày 07/3, Chính phủ Ấn Độ phê duyệt chương trình Sứ mệnh Trí tuệ nhân tạo “Sứ mệnh AI của Ấn Độ” qua đó cung cấp tài chính cho các công ty khởi nghiệp AI deep-tech cũng như tìm cách phát triển cơ sở dữ liệu nguồn mở có thể được sử dụng để đào tạo các mô hình AI và các ứng dụng khác. Bên cạnh đó, sứ mệnh cũng sẽ cung cấp một khuôn khổ để phát triển các đơn vị xử lý đồ họa (GPU) theo quan hệ đối tác công-tư cũng như các mô hình ngôn ngữ miền chuyên biệt lớn, đa dạng, hỗ trợ các nền tảng AI tổng hợp.
Phát biểu họp báo sau khi Nội các thông qua quyết định trên, Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp Ấn Độ - ông Piyush Goyal nêu rõ: “Sứ mệnh này đã liệt kê 7 mục tiêu chính gồm: xây dựng năng lực tính toán; mở các trung tâm đổi mới để xây dựng Mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) phục vụ cho các ngành đơn lẻ; thiết lập một nền tảng bộ dữ liệu để cung cấp dữ liệu phi cá nhân cho tất cả các bên quan tâm; thúc đẩy một sáng kiến phát triển ứng dụng để tạo ra thị trường cho các dịch vụ AI; thúc đẩy sáng kiến ‘FutureSkills’ để tạo ra các khóa học AI ở các bộ phận đại học, sau đại học và nghiên cứu; thúc đẩy một sáng kiến tài trợ khởi nghiệp nhằm hỗ trợ và tăng tốc các công ty khởi nghiệp AI deep-tech, đồng thời cung cấp cho họ quyền truy cập hợp lý vào nguồn tài trợ để thực hiện các dự án AI trong tương lai; lựa chọn các biện pháp bảo vệ đầy đủ để thúc đẩy việc phát triển, triển khai và áp dụng AI có trách nhiệm nhằm xây dựng môi trường AI an toàn và đáng tin cậy". Các quốc gia khác, từ Brazil đến Nhật Bản, cũng như các tổ chức toàn cầu như LHQ và G7 đang tiến hành xây dựng các khung quản lý liên quan đến AI.
Những quy định về AI vẫn là ưu tiên hàng đầu trên toàn cầu. Từ Đạo luật AI của Liên minh châu Âu đến việc Tổng thống Mỹ Joe Biden ký sắc lệnh hành pháp toàn diện đầu tiên trong lĩnh vực AI nhằm thiết lập các tiêu chuẩn mới về an toàn và bảo mật, giảm thiểu những rủi ro AI có thể gây ra cũng như nâng cao tính bảo mật của người dùng, thúc đẩy đổi mới và cạnh tranh công bằng trong lĩnh vực AI.
Ngoài ra, ngày 26/10/2023 LHQ đã thành lập cơ quan tư vấn cấp cao gồm 39 thành viên thuộc nhiều quốc gia trên khắp các châu lục nhằm giải quyết các vấn đề trong quản trị quốc tế về AI. Cơ quan này cũng đã sẵn sàng thúc đẩy nhiều sáng kiến trong năm nay và bắt đầu bằng báo cáo tạm thời về Quản lý AI cho nhân loại. Đặc biệt với sự thông qua nghị quyết đầu tiên liên quan tới lĩnh vực AI, đây là bước đi lịch sử để thúc đẩy các hệ thống AI hoạt động "an toàn, bảo mật và đáng tin cậy" nhằm mang lại lợi ích là sự phát triển bền vững cho tất cả mọi người. Đại hội đồng hối thúc các nước thành viên LHQ, khu vực tư nhân, xã hội dân sự, các tổ chức nghiên cứu và phương tiện truyền thông phát triển, hỗ trợ các phương pháp điều hành và quản trị việc sử dụng AI.
TÀI LIỆU THAM KHẢO |
TS. Nguyễn Tiến Dũng, Học viện Cảnh sát nhân dân
07:00 | 10/09/2024
10:00 | 11/10/2023
13:00 | 06/08/2024
14:00 | 05/08/2024
09:00 | 04/05/2023
13:00 | 13/09/2024
10:00 | 26/03/2024
10:00 | 19/08/2024
Để phòng, chống lừa đảo trực tuyến, trong thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) sẽ tập trung vào quản lý xác thực người dùng, rà soát thông tin trên mạng để quản lý không gian mạng, chung tay cùng các bộ, ngành khác đẩy lùi vấn nạn lừa đảo trực tuyến.
09:00 | 25/07/2024
Mới đây, Meta Platforms - công ty mẹ của WhatsApp vừa bị Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Nigeria (FCCPC) phạt 220 triệu USD do vi phạm luật quyền riêng tư và dữ liệu.
08:00 | 22/05/2024
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang dự thảo Thông tư quy định danh mục các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ TT&TT và thời hạn người có chức vụ, quyền hạn trong lĩnh vực đó sau khi thôi giữ chức vụ không được thành lập, giữ chức danh, chức vụ quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã.
10:00 | 16/05/2024
Hiện nay, nguy cơ mất an toàn thông tin nói chung và vấn nạn lừa đảo trên không gian mạng đang trở nên ngày càng phổ biến, phức tạp và gây hậu quả ngày càng lớn. Việc bảo đảm an toàn thông tin, phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng không chỉ là trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước mà còn là trách nhiệm chung của toàn xã hội. Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông lựa chọn chủ đề năm 2024 trong lĩnh vực an toàn thông tin là “Năm phòng, chống lừa đảo trực tuyến”.