Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm tại Hội thảo trực tuyến "5G và công nghệ băng thông rộng thúc đẩy phát triển kinh tế số: Tầm nhìn và giải pháp công nghệ" diễn ra ngày 27/3 vừa qua. Hội thảo được tổ chức bởi Hội Vô tuyến Điện tử và Tập đoàn IDG, dưới sự bảo trợ của Bộ TT&TT.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu tại Hội thảo
Phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết: Bộ TT&TT đang nghiên cứu, chủ trì xây dựng Đề án Chuyển đổi số quốc gia với kỳ vọng sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới, đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN), phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Chương trình chuyển đổi số quốc gia sẽ giúp: (1) xây dựng Chính phủ số để Chính phủ hoạt động hiệu quả, hiệu lực hơn, minh bạch hơn; (2) xây dựng nền Kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới, thoát bẫy thu nhập trung bình; (3) xây dựng Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng. Các ngành, lĩnh vực sẽ được tối ưu hoá, thông minh hóa để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
Theo Thứ trưởng Phan Tâm, nền kinh tế số, xã hội số cùng các ứng dụng số đều vận hành dựa trên một hạ tầng số. Do vậy, mục tiêu xuyên suốt trong thời gian tới của ngành TT&TT là phát triển hạ tầng số, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu bùng nổ về kết nối và xử lý dữ liệu, có khả năng giám sát mạng lưới đến từng nút mạng và bảo đảm an toàn, an ninh mạng được tích hợp sẵn ngay từ khi thiết kế, xây dựng.
Để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Thứ trưởng cho biết, hoạt động đầu tư, kinh doanh dịch vụ viễn thông cần có những đổi mới. Nhà khai thác cần xây dựng kế hoạch phát triển hạ tầng mạng đi trước một bước, tập trung đầu tư mở rộng mạng cáp quang, tăng tỷ lệ dịch vụ Internet cáp quang đến hộ gia đình; mở rộng vùng phủ sóng, nâng cao chất lượng dịch vụ 4G và từng bước triển khai 5G hiệu quả, đầu tư vào trung tâm dữ liệu, hạ tầng điện toán đám mây,…. những thành tố cơ bản của hạ tầng số.
Bên cạnh đó, cần tăng cường chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng để tiết kiệm chi phí, bảo đảm cảnh quan môi trường và sự an toàn của người dân; đẩy mạnh hợp tác phát triển các ứng dụng, dịch vụ mang lại nhiều giá trị cho xã hội như: giao thông thông minh, thành phố thông minh,... đồng thời hỗ trợ, thúc đẩy các dịch vụ trực tuyến.
Công nghệ 5G đang được Chính phủ quan tâm và đặt trọng tâm thúc đẩy phát triển thông qua kiến tạo các chính sách thuận lợi và thông thoáng nhất cho DN. Thứ trưởng khẳng định: "Phát triển công nghệ 5G nằm trong chiến lược phát triển hạ tầng và dịch vụ thông tin băng rộng của Việt Nam".
Bên cạnh chính sách phát triển hạ tầng vật lý, các chính sách về quản lý việc cung cấp, sử dụng dịch vụ công nghệ số trên hạ tầng số đang được Bộ TT&TT nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung thường xuyên để theo kịp nhu cầu phát triển của xã hội.
Đối với những mô hình kinh doanh mới có liên quan trong lĩnh vực ICT, chưa được luật pháp quy định rõ ràng, Thứ trưởng cho biết: Bộ TT&TT đang tích cực đề xuất cho phép triển khai thử nghiệm. Theo hướng này, Bộ TT&TT đang thúc đẩy Đề án thí điểm thanh toán không dùng tiền mặt, thông qua hợp tác nghiên cứu chính sách Mobile Money với Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF).
Covid -19: Thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ số sâu rộng
Theo thông tin của Cục Viễn thông, tính đến hết tháng 1/2020, hạ tầng công nghệ viễn thông Việt Nam có sự phát triển vượt bậc, tổng thuê bao băng rộng cố định là 15,1 triệu thuê bao, tổng thuê bao băng rộng di động đạt gần 65 triệu thuê bao.
Theo thống kê, trong 2 tháng chịu tác động của dịch Covid-19, doanh thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ viễn thông tăng gần 28% và dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong những tháng kế tiếp.
Đặc biệt, giữa lúc dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, các hoạt động kinh tế "tại gia" trên nền tảng Internet băng rộng đã có bước phát triển nhảy vọt. Theo đó, hạ tầng viễn thông càng trở nên quan trọng, được kỳ vọng là phương thức giúp xã hội thoát khỏi khó khăn do tác động tiêu cực của Covid-19.
Ông Lê Văn Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết: "Dịch bệnh Covid-19 xảy ra, hiện có rất nhiều người ở nhà làm việc, kinh doanh từ xa. Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của hệ thống băng rộng cố định".
Còn theo Chủ tịch Hội Vô tuyến điện tử Trần Đức Lai, thực tế chứng minh, chỉ trong vòng 2-3 năm trở lại đây, sự phát triển hạ tầng băng thông rộng đã mở đường cho tất cả các ngành kinh tế khác phát triển.
Theo báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2019" do Google, Temasek và Bain thực hiện, nền kinh tế số Việt Nam năm 2019 trị giá 12 tỉ USD, cao gấp 4 lần so với giá trị của năm 2015 và dự đoán chạm mốc 43 tỉ USD vào năm 2025 với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt xấp xỉ 33%.
Còn theo Đại học Tufts (Mỹ), Việt Nam đang đứng ở vị trí 48/60 quốc gia có tốc độ số hóa nền kinh tế trong năm 2019. Chính phủ Việt Nam xác định một trong những trụ cột của nền kinh tế số là hạ tầng viễn thông, bao gồm cả hạ tầng băng rộng di động lẫn băng rộng cố định.
Nguyệt Thu
16:00 | 27/03/2020
17:00 | 07/01/2022
09:00 | 25/03/2020
16:00 | 23/03/2020
10:00 | 14/04/2020
07:00 | 16/09/2024
Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã thống kê và xử lý 4.029 sự cố tấn công mạng tại Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2024. Những số liệu này phản ánh sự cấp thiết của việc bảo đảm an toàn, an ninh mạng, một yếu tố sống còn cho sự thành công và bền vững của quá trình chuyển đổi số tại các tổ chức, doanh nghiệp trên toàn quốc.
13:00 | 21/08/2024
Liên Hợp Quốc đã có một bước tiến quan trọng trong việc bảo vệ không gian mạng toàn cầu bằng việc thông qua Dự thảo Công ước về phòng chống tội phạm mạng.
09:00 | 25/07/2024
Mới đây, Meta Platforms - công ty mẹ của WhatsApp vừa bị Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng Nigeria (FCCPC) phạt 220 triệu USD do vi phạm luật quyền riêng tư và dữ liệu.
15:00 | 25/06/2024
Công tác bảo vệ bí mật nhà nước, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, chỉ huy của Đảng, Chính quyền và lực lượng vũ trang là một trong những nhiệm vụ cấp bách hàng đầu; là xu thế tất yếu, khách quan, có ý nghĩa chiến lược, lâu dài; là chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn hiện nay - hoạt động này được lực lượng cơ yếu đảm nhiệm. Nhận thức rõ điều này, thành phố Đà Nẵng đã tập trung xây dựng lực lượng cơ yếu, nâng cao vai trò là lực lượng nòng cốt, tạo chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng, đóng góp ngày càng lớn vào mục tiêu phát triển thành phố bền vững, toàn diện.