Ngày 26/10/2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1819/QĐ-TTg về việc phê duyệt chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020.
Chương trình hướng tới mục tiêu cung cấp các dịch vụ công cơ bản trực tuyến mức độ 4 để đáp ứng nhu cầu thực tế, phục vụ người dân và doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau, giúp giảm thời gian thực hiện các thủ tục hành chính; Ứng dụng hiệu quả CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, nhằm tăng tốc độ xử lý công việc, giảm chi phí hoạt động; Phát triển hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, tích hợp, kết nối các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trên quy mô quốc gia, tạo lập môi trường chia sẻ thông tin qua mạng giữa các cơ quan trên cơ sở Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam. Chương trình đặt ra ba mục tiêu trọng tâm sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, nhằm giảm thiểu thời gian phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước thực hiện các thủ tục hành chính. Mục tiêu trong giai đoạn này của Chương trình có phạm vi đối với tất cả các địa phương trên cả nước: 95% hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp sẽ được nộp trực tuyến; 90% số doanh nghiệp sẽ nộp thuế qua mạng; 90% cơ quan, tổ chức thực hiện giao dịch điện tử trong việc thực hiện thủ tục tham gia Bảo hiểm xã hội; 30% hồ sơ thủ tục hành chính sẽ được xử lý trực tuyến tại mức độ 4.... Thêm vào đó, thông tin của các cơ quan nhà nước cũng sẽ được cung cấp đầy đủ trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử.
Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước. 80% văn bản giữa các cơ quan nhà nước cũng sẽ được trao đổi dưới dạng điện tử.
Thứ ba, xây dựng và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử đồng bộ, kết nối, bảo đảm an toàn, an ninh thông tin.
Một số hoạt động cụ thể sẽ được triển khai thực hiện trong giai đoạn 2016 - 2020 như sau:
Một là, đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, trong đó chú trọng cung cấp các dịch vụ công cơ bản trực tuyến mức độ 4. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT toàn diện tại bộ phận một cửa, một cửa liên thông, tăng cường trao đổi, xử lý hồ sơ qua mạng. Phát triển các hệ thống thông tin thiết yếu cho công tác ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp tại các địa phương; Bảo đảm triển khai đồng bộ với việc phát triển các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia; Tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin. Đồng thời nâng cao nhận thức, năng lực, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến. Triển khai đô thị thông minh ít nhất tại 3 địa điểm theo các tiêu chí do Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn.
Hai là, phát triển và hoàn thiện các ứng dụng CNTT trong nội bộ cơ quan nhà nước, bao gồm: hệ thống quản lý thông tin tổng thể để tiến tới xây dựng cơ quan điện tử, bảo đảm kết nối liên thông dữ liệu điện tử từ Chính phủ đến cấp Xã; Các ứng dụng CNTT trong hoạt động nghiệp vụ, đáp ứng công tác đặc thù tại từng cơ quan, đơn vị; Các hệ thống ứng dụng CNTT khác trong công tác nội bộ theo hướng hiệu quả, mở rộng kết nối.
Ba là, phát triển và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu quốc gia để tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử: Bảo đảm hạ tầng triển khai Chính phủ điện tử các cấp, đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu; Phát triển hạ tầng kiến trúc Chính phủ điện tử; Triển khai chứng thực điện tử và chữ ký số trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị; Kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương; Hỗ trợ các tổ chức, cá nhân truy cập đến thông tin, dữ liệu của các cơ quan nhà nước.
Quyết định cũng đã đưa ra một số giải pháp chủ yếu như:
Bảo đảm môi trường pháp lý bằng cách xây dựng các quy định về an toàn, an ninh thông tin, đẩy mạnh sử dụng chữ ký số trong các hoạt động ứng dụng CNTT của cơ quan nhà nước; Xây dựng quy định về quy trình trao đổi, lưu trữ, xử lý văn bản điện tử trên toàn quốc; Xây dựng và hướng dẫn triển khai Khung kiến trúc Chính phủ điện tử; Xây dựng, ban hành các mô hình, tiêu chí, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng CNTT; xây dựng cơ chế, chính sách thúc đẩy người dân và doanh nghiệp sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến; bảo đảm hiệu quả ứng dụng CNTT.
Bảo đảm hiệu quả ứng dụng CNTT: triển khai ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước phải đáp ứng nhu cầu thực tế, bảo đảm hiệu quả đầu tư ứng dụng CNTT; Kết hợp chặt chẽ việc triển khai Chương trình này với công cuộc cải cách hành chính và các nhiệm vụ, giải pháp về nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường kinh doanh; Triển khai các nội dung khuyến khích, hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận, sử dụng hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến.
Bảo đảm ứng dụng CNTT đồng bộ: hướng dẫn chung trên quy mô quốc gia về việc xây dựng các chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của các cơ quan nhà nước; Xác định mô hình ứng dụng CNTT điển hình các cấp, phổ biến, hỗ trợ triển khai nhân rộng.
Nâng cao nhận thức, đào tạo nguồn nhân lực: đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; Tăng cường đào tạo kỹ năng về ứng dụng CNTT cho cán bộ, công chức; Tăng cường đào tạo và truyền thông về sử dụng dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp; Tổ chức đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ chuyên trách CNTT, giám đốc CNTT ở các cơ quan nhà nước các cấp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ về CNTT và việc thuê dịch vụ CNTT; Tăng cường năng lực cán bộ làm công tác an toàn, an ninh thông tin.
Học tập kinh nghiệm quốc tế: triển khai các hoạt động tìm hiểu thực tế mô hình phát triển Chính phủ điện tử thành công tại các nước; Đào tạo chuyên gia về Chính phủ điện tử của Việt Nam.
Về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị được nêu rõ trong Quyết định như sau:
- Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân Tỉnh, Thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch ứng dụng CNTT giai đoạn 2016 - 2020 và Kế hoạch ứng dụng CNTT hàng năm bảo đảm sự đồng bộ, hiệu quả, tránh trùng lặp; Kiểm tra, đánh giá, báo cáo hàng năm và đột xuất tình hình thực hiện Chương trình này.
- Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chủ trì tổ chức triển khai thực hiện Chương trình này; Xây dựng cơ chế, chính sách, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, tuyên truyền, đào tạo, nâng cao nhận thức về xây dựng, triển khai Kiến trúc Chính phủ điện tử trong các cơ quan nhà nước; Triển khai các hoạt động nâng cao nhận thức, năng lực, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp sử dụng hiệu quả dịch vụ công trực tuyến.
- Ban Cơ yếu Chính phủ - Bộ Quốc phòng có trách nhiệm nâng cấp, hoàn thiện hệ thống chứng thực điện tử và chữ ký số trong các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, đáp ứng nhu cầu thực tế.
Các cơ quan, đơn vị cần xác định rõ nội dung chính của Chương trình và đề ra các giải pháp để triển khai phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để thực hiện tốt các mục tiêu đã đề ra.