Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 của ngành Cơ yếu Việt Nam
Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, để kịp thời đáp ứng yêu cầu bảo vệ thông tin bí mật nhà nước phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy của Đảng, Chính phủ và lực lượng vũ trang, góp phần bảo vệ chính quyền cách mạng còn non trẻ, Đảng ta chủ trương xây dựng hệ thống thông tin liên lạc bằng mật mã từ Trung ương đến địa phương. Ngày 12/9/1945, thực hiện Chỉ thị của Thường vụ Trung ương Đảng, Ban Mật mã quân sự được thành lập tại Cơ quan Bộ Tổng Tham mưu, đây là tổ chức tiền thân của ngành Cơ yếu Việt Nam. Sau này, ngày 12/9 được lấy làm Ngày truyền thống của ngành Cơ yếu Việt Nam.
Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mật mã là một công tác cơ mật, quan trọng, vẻ vang... các cô, các chú làm mật mã phải bí mật, đoàn kết và quân sự hoá”, trải qua gần 80 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, lớp lớp các thế hệ cán bộ, nhân viên ngành Cơ yếu Việt Nam với ý chí tự lực, tự cường, tự chủ, sáng tạo, đoàn kết thống nhất, vượt qua muôn vàn khó khăn, gian khổ, hy sinh thầm lặng, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trên mặt trận chiến đấu thầm lặng nhưng vô cùng khốc liệt, cán bộ, nhân viên cơ yếu luôn tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân, lập nhiều chiến công xuất sắc, bảo đảm bí mật, chính xác, kịp thời thông tin lãnh đạo, chỉ đạo, chỉ huy trên chiến trường, mặt trận ngoại giao, đóng góp quan trọng vào thắng lợi của công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, ngành Cơ yếu đã tiếp thu thành tựu khoa học - công nghệ mật mã trên thế giới để xây dựng nền khoa học - công nghệ mật mã Việt Nam từng bước hiện đại, phục vụ đắc lực sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ huy của lực lượng vũ trang.
Những thách thức, yêu cầu mới đối với công tác cơ yếu
Trên thế giới, hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng tình hình diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Chiến tranh thông tin, chiến tranh trên không gian mạng đang hiện hữu và ngày càng quyết liệt. Một số quốc gia tận dụng ưu thế về kinh tế, quân sự, khoa học - công nghệ, khai thác không gian vũ trụ, không gian mạng để can dự, gây sức ép về chính trị, kinh tế, quân sự, ngoại giao; gia tăng các hoạt động thu thập, đánh cắp, giả mạo, sửa đổi thông tin, vô hiệu hóa hệ thống công nghệ thông tin - viễn thông, xâm phạm chủ quyền, lợi ích của các quốc gia khác.
Khoa học, công nghệ mật mã thế giới đã phát triển mạnh mẽ với sự ra đời của các công nghệ mã hóa và các kỹ thuật thu tin mã thám mới; đặc biệt là Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự ra đời của máy tính lượng tử và các công nghệ mới mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng xuất hiện nhiều nguy cơ mất an toàn thông tin đối với tất cả các quốc gia. Việc sử dụng mật mã để bảo mật thông tin bí mật nhà nước, góp phần bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia được các nước trên thế giới đặc biệt coi trọng và ưu tiên triển khai.
Trong nước, sau hơn 38 năm đổi mới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân ta đạt được những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực, tạo nền tảng quan trọng để nước ta bước vào thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, hội nhập, phát triển, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ thông tin - viễn thông thế giới đã tạo ra nhiều cơ hội và động lực để phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh; đồng thời, đã xuất hiện nhiều nguy cơ mất an toàn thông tin. Các thế lực thù địch đã tăng cường hoạt động gián điệp, sử dụng các phương tiện, kỹ thuật thu tin mã thám với tính chất, mức độ ngày càng tinh vi, nghiêm trọng, thâm nhập vào hệ thống thông tin trọng yếu quốc gia để chống phá Đảng, Nhà nước về chính trị, kinh tế, tư tưởng, văn hóa..., thực hiện “diễn biến hòa bình” nhằm thay đổi chế độ chính trị ở nước ta.
Trong thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quan trọng liên quan đến lĩnh vực cơ yếu và bảo mật, an toàn, an ninh thông tin; Chính phủ đẩy mạnh chủ trương ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số; trong đó, xác định việc bảo mật, an toàn thông tin dùng mật mã đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là yếu tố then chốt để bảo đảm an ninh quốc gia và phát triển kinh tế - xã hội; nhu cầu về bảo đảm bảo mật, an toàn thông tin của các ban, bộ, ngành, địa phương ngày càng lớn và cấp thiết, đặt ra những yêu cầu mới về công tác cơ yếu.
Trách nhiệm của Cơ quan mật mã quốc gia
Trong thời gian tới, để Ban Cơ yếu Chính phủ và ngành Cơ yếu Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân đã tin tưởng giao phó, bảo đảm bí mật, an toàn, chính xác, kịp thời thông tin phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ đạo, chỉ huy của lực lượng vũ trang nhân dân trong mọi tình huống, đáp ứng yê cầu xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, sẵn sàng ứng phó thắng lợi các tình huống chiến tranh công nghệ cao, chiến tranh mạng, chiến tranh thông tin, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, cần phải làm tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Cơ quan mật mã quốc gia - Ban Cơ yếu chính phủ, nhất là việc tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý nhà nước về cơ yếu.
Quản lý nhà nước về cơ yếu là hệ thống các biện pháp quản lý của nhà nước do cơ quan nhà nước và các tổ chức được ủy quyền tiến hành trên cơ sở pháp luật và thi hành pháp luật, nhằm đáp ứng yêu cầu bảo mật, an toàn thông tin phục vụ lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ huy của lực lượng vũ trang nhân dân, phục vụ đắc lực, hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Ban Cơ yếu Chính phủ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao các nhiệm vụ quản lý nhà nước về cơ yếu trên các lĩnh vực cơ bản như sau: Quản lý nhà nước về lực lượng cơ yếu; quản lý nhà nước về hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước; quản lý nhà nước về chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ; quản lý nhà nước về mật mã dân sự; quản lý nhà nước về hợp tác quốc tế trong lĩnh vực mật mã; hoạt động thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm hành chính.
Quản lý nhà nước về lực lượng cơ yếu
Điều 20 Luật Cơ yếu quy định: “Lực lượng cơ yếu là một trong những lực lượng chuyên trách bảo vệ bí mật nhà nước, có chức năng tham mưu cho Đảng, Nhà nước về công tác cơ yếu, thực hiện hoạt động cơ yếu; góp phần bảo đảm tuyệt đối bí mật, an toàn, chính xác, kịp thời thông tin phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, chỉ đạo, chỉ huy của lực lượng vũ trang nhân dân trong mọi tình huống; chủ động phòng ngừa, tham gia đấu tranh với các hoạt động thám mã gây phương hại đến an ninh quốc gia, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân”. Đồng thời, trước bối cảnh trong nước và thế giới, tình hình lộ lọt bí mật nhà nước, nguy cơ mất an toàn thông tin ngày càng gia tăng, Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 05/3/2020 của Bộ Chính trị ban hành Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 đã xác định: “phải có chủ trương, giải pháp đột phá nhằm bảo đảm tuyệt đối bí mật thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước. Xây dựng ngành Cơ yếu Việt Nam cách mạng, chính quy, tiến thẳng lên hiện đại là giải pháp then chốt, quyết định. Đây là nhiệm vụ cơ bản, cấp thiết, là trách nhiệm của toàn Đảng và cả hệ thống chính trị, trong đó, lực lượng cơ yếu giữ vai trò nòng cốt”.
Quản lý nhà nước về lực lượng cơ yếu bao gồm quản lý về tổ chức cơ yếu, người làm việc trong tổ chức cơ yếu, thực hiện chế độ, chính sách đối với người làm việc trong tổ chức cơ yếu.
Trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản rất quan trọng, có ý nghĩa đột phá về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, gắn với tinh giản biên chế. Thực hiện chủ trương, đường lối, quan điểm, mục tiêu của Đảng, quy định của pháp luật về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, tổ chức của lực lượng cơ yếu cũng cần tiếp tục được rà soát, sắp xếp, kiện toàn bảo đảm “khoa học, thống nhất, chặt chẽ”, phù hợp với mô hình tổ chức của hệ thống chính trị và vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của ngành Cơ yếu.
Quá trình rà soát, điều chỉnh phải bảo đảm khách quan, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và vị trí, vai trò của mỗi cơ quan, tổ chức; phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của từng tổ chức, khắc phục triệt để tình trạng trùng lặp, chồng chéo; bảo đảm nguyên tắc kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển và nguyên tắc một việc chỉ giao cho một cơ quan, tổ chức chủ trì thực hiện, chịu trách nhiệm chính, cơ quan, tổ chức liên quan có trách nhiệm phối hợp, đáp ứng yêu cầu tổ chức tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện tốt các mặt hoạt động của công tác cơ yếu.
Nguồn nhân lực là nguồn lực “đặc biệt” của mỗi quốc gia, trong đó chất lượng thể hiện qua các yếu tố cơ bản như: Trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ; phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống; kỹ năng nghề nghiệp; độ tuổi, sức khỏe… Ngành Cơ yếu Việt Nam trong thời gian qua luôn được Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chú trọng đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành khoa học - kỹ thuật cơ mật đặc biệt. Yếu tố tiên quyết, có ý nghĩa quyết định là phải xây dựng được đội ngũ cán bộ, nhân viên cơ yếu có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, có chuyên môn, nghiệp vụ giỏi, tinh thần năng động, khát vọng cống hiến và quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, nỗ lực hành động vì lợi ích chung.
Trong đó, đặc biệt chú trọng xây dựng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đội ngũ cán bộ quản lý các cấp vững mạnh, đóng vai trò nòng cốt, gương mẫu, đi đầu trong các hoạt động; cán bộ làm công tác tham mưu có năng lực nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, dự báo xu thế phát triển, đề xuất chủ trương, giải pháp giải quyết các vấn đề mới, các nhiệm vụ khó, trọng điểm của ngành Cơ yếu; cán bộ làm công tác nghiên cứu, giảng dạy và đội ngũ chuyên gia đầu ngành có khả năng tiếp thu tri thức, những thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến, khai thác và làm chủ hoàn toàn các trang thiết bị mật mã hiện đại.
Cùng với kiện toàn về tổ chức và xây dựng đội ngũ cán bộ, thời gian tới, ngành Cơ yếu Việt Nam tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với cấp thẩm quyền các cơ chế, chính sách đãi ngộ mới, mang tính chất đột phá, tương xứng với tính chất của ngành khoa học - kỹ thuật cơ mật đặc biệt, thuộc lĩnh vực an ninh quốc gia, một mặt để giữ nguồn nhân lực chất lượng cao hiện đang công tác trong Ngành, mặt khác để thu hút, tuyển dụng được các chuyên gia, nhà khoa học tài năng trong và ngoài nước vào công tác, cống hiến cho ngành Cơ yếu.
Quản lý nhà nước về hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước
Trong suốt chặng đường xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, phát triển, một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, có ý nghĩa quyết định, khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm của ngành Cơ yếu Việt Nam, đó chính là bảo vệ thông tin bí mật nhà nước dùng mật mã. Việc thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước bao gồm tổng thể các nội dung trọng tâm sau: Về thông tin bí mật nhà nước cần được mã hóa, hoạt động khoa học và công nghệ mật mã, chuyển giao công nghệ mật mã, quy chuẩn kỹ thuật, kiểm định, đánh giá sản phẩm mật mã, triển khai, giải thể mạng liên lạc cơ yếu; về sản xuất, cung cấp, quản lý, sử dụng sản phẩm mật mã, điện mật cơ yếu, bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất, kỹ thuật, an ninh, an toàn cho hoạt động mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước.
Trước tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các công nghệ vật liệu mới, công nghệ vi điện tử, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo sẽ thúc đẩy lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông phát triển, đạt được những thành tựu vượt bậc; sự xuất hiện máy tính lượng tử với các thuật toán lượng tử sẽ tạo ra bước đột phá trong khoa học mã thám, chúng có khả năng làm suy giảm độ an toàn, thậm chí phá vỡ hoàn toàn các thuật toán mật mã phổ biến hiện nay...
Để đáp ứng yêu cầu bảo đảm bảo tuyệt đối bí mật thông tin lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, chỉ huy của lực lượng vũ trang và bảo mật, an toàn thông tin phục vụ công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước và các ngành, các cấp trong hệ thống chính trị, nhất là phục vụ nhiệm vụ xây dựng, phát triển Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, ngành Cơ yếu Việt Nam phải có giải pháp tổng thể, đột phá trong nghiên cứu các thuật toán mật mã an toàn dựa trên một số cách tiếp cận mới, có khả năng kháng lượng tử để sẵn sàng thay thế các thuật toán mật mã đang sử dụng khi máy tính lượng tử ra đời. Đồng thời, tập trung nâng cao trình độ, tiềm lực khoa học và công nghệ đáp ứng tốt yêu cầu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các sản phẩm mật mã, sản phẩm bảo mật và an toàn thông tin chuyên dụng, tiên tiến, hiện đại, đồng bộ với công nghệ cao, có khả năng tích hợp vào hệ thống công nghệ thông tin - viễn thông, đủ sức ngăn chặn, đối phó có hiệu quả với các loại hình tấn công sử dụng công nghệ cao trong mọi tình huống. Trong đó cần triển khai làm tốt một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao năng lực nghiên cứu, sản xuất trang thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ mật mã; tập trung nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mật mã cốt lõi, kết hợp với huy động tiềm lực khoa học - công nghệ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật trên nguyên tắc giữ bí mật tuyệt đối mật mã cơ yếu; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị, dây chuyền công nghệ nhằm nâng cao năng lực cho các cơ sở sản xuất của Ngành, đáp ứng yêu cầu sản xuất các sản phẩm mật mã, sản phẩm bảo mật, an toàn thông tin tiên tiến, hiện đại, có hàm lượng khoa học - công nghệ cao.
Ngành Cơ yếu Việt Nam cần tiếp tục tập trung phát triển hệ thống kỹ thuật mật mã tích hợp đa dịch vụ, hiện đại, tự động hóa để đổi mới phương thức chỉ đạo, điều hành, quản lý tập trung, thống nhất; xây dựng các trung tâm tích hợp dữ liệu, cung cấp dịch vụ mật mã, phân phối, triển khai, giám sát, hỗ trợ kỹ thuật từ xa và được tích hợp vào hệ thống công nghệ thông tin - viễn thông quan trọng quốc gia đối với tất cả các trang thiết bị, sản phẩm mật mã, sản phẩm bảo mật, an toàn thông tin của Ngành trong thời gian tới.
Quản lý nhà nước về hoạt động chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ
Cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số là xu thế tất yếu, khách quan đang diễn ra rất mạnh mẽ, sâu rộng trong tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội. Chuyển đổi số góp phần giảm thủ tục hành chính và giúp chính quyền các cấp nâng cao năng lực quản lý, điều hành hiệu quả. Thời gian qua, Đảng, Nhà nước rất coi trọng và xem chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; việc chuyển đổi số được xác định là nội dung quan trọng trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược của đất nước. Nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng và văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, trong các văn bản này đều giao nhiệm vụ cho Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước, phát triển, cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ.
Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 05/3/2020 của Bộ Chính trị về Chiến lược phát triển ngành Cơ yếu Việt Nam đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, xác định: “Lực lượng cơ yếu chủ trì triển khai sản phẩm mật mã để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước, hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; phát triển, mở rộng hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ tiên tiến, hiện đại” và “Mục tiêu đến năm 2025, bảo đảm cán bộ, công chức được sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ”.
Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 11/8/2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 56-NQ/TW ngày 05/3/2020 của Bộ Chính trị, xác định: “Ban Cơ yếu Chính phủ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu phát triển, mở rộng hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ hiện đại, đồng bộ, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu cung cấp, quản lý và sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong cơ quan Đảng, Nhà nước, xây dựng Chính phủ điện tử; bảo đảm cán bộ, công chức, viên chức được sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; phối hợp với các cơ quan chủ quản hệ thống thông tin quan trọng quốc gia trong việc giám sát an toàn thông tin mạng, giải pháp phòng chống mã độc, kết hợp giải pháp bảo mật, an toàn thông tin dùng mật mã, chữ ký số chuyên dùng Chính phủ”.
Điều 24 Luật Giao dịch điện tử quy định về dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ, xác định: “Chính phủ quy định chi tiết Điều này và Điều 50 quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giao dịch điện tử, xác định: “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ trên cơ sở tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chữ ký số theo quy định của pháp luật”.
Tại khoản 3 Điều 19 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ về lĩnh vực cơ yếu, xác định: “Xây dựng và phát triển hệ thống thông tin mật mã quốc gia, hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng, hệ thống giám sát an toàn thông tin trên mạng công nghệ thông tin trọng yếu của các cơ quan Đảng, Nhà nước; quản lý hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh và sử dụng mật mã”.
Trên cơ sở chủ trương của Đảng và nhiệm vụ được giao, Ban Cơ yếu Chính phủ giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thống nhất quản lý, triển khai hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ phục vụ các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp về cơ cấu tổ chức; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật; thiết lập, vận hành, phát triển hạ tầng kỹ thuật; nghiên cứu, phát triển khoa học - công nghệ; bảo đảm cung cấp dịch vụ, hỗ trợ kỹ thuật và kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trên phạm vi toàn quốc.
Đồng thời, thường xuyên rà soát, nghiên cứu, đề xuất cấp thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý về chữ ký số chuyên dùng công vụ, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, thuận lợi để quản lý, cung cấp, sử dụng chữ ký số, chứng thư chữ ký số, dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ; giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về cơ yếu; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật về giao dịch điện tử; bảo đảm xác thực, an toàn thông tin trong việc ứng dụng chữ ký số chuyên dùng công vụ trong các hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành và tác nghiệp.
Bên cạnh đó, phải thiết lập hạ tầng kỹ thuật được đồng bộ, hiện đại, được kiểm soát chặt chẽ, làm chủ mật mã đảm bảo an toàn nghiêm ngặt đáp ứng các yêu cầu cao về an toàn và bảo mật thông tin; bảo đảm cung cấp kịp thời đáp ứng 100% yêu cầu của các cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập, nhằm ứng dụng hiệu quả trong thực tế, tiết kiệm thời gian, chi phí, nâng cao hiệu quả công việc, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để đơn giản hóa thủ tục hành chính về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ; tăng tính công khai, minh bạch, góp phần tích cực trong cải cách hành chính, phát triển Chính phủ điện tử, tiến tới Chính phủ số.
Quản lý nhà nước về mật mã dân sự
Mật mã dân sự là kỹ thuật mật mã và sản phẩm mật mã được sử dụng để bảo mật hoặc xác thực đối với thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước. Sản phẩm mật mã dân sự là các tài liệu, trang thiết bị kỹ thuật và nghiệp vụ mật mã để bảo vệ thông tin không thuộc phạm vi bí mật nhà nước.
Luật An toàn thông tin mạng năm 2015 đã giao Chính phủ “ban hành Danh mục sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và quy định chi tiết kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự”; “ban hành Danh mục sản phẩm mật mã dân sự xuất khẩu, nhập khẩu theo giấy phép và quy định chi tiết xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm mật mã dân sự”.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian tới, Ban Cơ yếu Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giúp Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý nhà nước về mật mã dân sự, có trách nhiệm xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia đối với sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố và hướng dẫn thực hiện; xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự, chỉ định và quản lý hoạt động của tổ chức chứng nhận sự phù hợp đối với sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự; quản lý chất lượng sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương liên quan thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh sản phẩm, dịch vụ mật mã dân sự và sử dụng mật mã dân sự, xử lý vi phạm về mật mã dân sự theo quy định của pháp luật.
Trong suốt chặng đường gần 80 năm xây dựng và phát triển, ngành Cơ yếu Việt Nam được rèn luyện, thử thách qua các cuộc kháng chiến oanh liệt giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đã tích lũy, đúc rút được nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, ngày càng nâng cao bản lĩnh chính trị, trí tuệ và trình độ nghiệp vụ trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế. Với những thành tích vẻ vang và chiến công to lớn, ngành Cơ yếu Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Sao vàng (năm 2005), Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1985 và 2015), nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Những phần thưởng cao quý đó là sự đánh giá và ghi nhận của Đảng, Nhà nước đối với sự hy sinh, cống hiến của lớp lớp cán bộ, nhân viên ngành Cơ yếu Việt Nam, đồng thời là sự cổ vũ, động viên lớn lao để tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Tiếp bước những thành tựu vẻ vang và phát huy truyền thống “Trung thành, tận tụy, đoàn kết, kỷ luật, sáng tạo” của ngành Cơ yếu Việt Nam, trước yêu cầu và thử thách ngày càng lớn về việc đáp ứng nhu cầu bảo đảm bảo mật, an toàn thông tin của các ngành, các cấp, các cơ quan thuộc hệ thống chính trị, cán bộ, nhân viên cơ yếu cần nỗ lực cố gắng, vượt qua mọi khó khăn, chủ động tham mưu, tổ chức triển khai, làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình xây dựng, phát triển Ban Cơ yếu Chính phù - Cơ quan mật mã quốc gia và ngành Cơ yếu Việt Nam “cách mạng, chính quy, tiến thẳng lên hiện đại”, góp phần xây dựng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới của Cách mạng.
TS. Nguyễn Hữu Hùng, Phó Trưởng ban Ban Cơ yếu Chính phủ
22:00 | 09/05/2024
14:00 | 31/05/2024
10:00 | 26/12/2022
10:00 | 19/06/2024
13:00 | 07/10/2024
Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp trò chơi điện tử (game online), việc các vật phẩm ảo có thể quy đổi thành giá trị tiền thật đã trở nên rất phổ biến. Điều này vô tình tạo cơ hội thuận lợi để kẻ tấn công thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
08:00 | 25/09/2024
Đại hội đại biểu Đảng bộ Ban Cơ yếu Trung ương lần thứ 3 nhiệm kỳ 1986-1988 được tổ chức tại Hà Nội diễn ra từ ngày 25-27/9/1986. Đồng chí Trần Hữu Đắc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bí thư Đảng ủy Khối 1 cơ quan Trung ương dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.
15:00 | 20/09/2024
Chính phủ Mỹ sẽ xóa bỏ yêu cầu về bằng cấp không cần thiết để ưu tiên tuyển dụng nhân sự dựa trên kỹ năng, nhằm đáp ứng yêu cầu tuyển dụng 500 nghìn việc làm trong lĩnh vực an ninh mạng.
16:00 | 19/09/2024
Chỉ số an toàn thông tin mạng toàn cầu (Global Cybersecurity Index - GCI) 2024, được Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU), cơ quan chuyên ngành của Liên hợp quốc công bố ngày 12/9/2024. Trong báo cáo, Việt Nam là 1 trong 46 quốc gia được xếp vào nhóm 1 về chỉ số an toàn thông tin toàn cầu của ITU năm 2024.
Khoảng giữa năm 1995, cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (National Security Agency - NSA) bắt đầu công bố hàng nghìn thông điệp được giải mật từ dự án VENONA. Đó là các thông điệp được truyền trong hoạt động ngoại giao và hoạt động tình báo của Liên Xô được trao đổi từ năm 1940. Trong đó, có chứa các thông tin liên quan đến Cơ quan tình báo trung ương Liên Xô (Komitet Gosudarstvennoy Bezopasnosti - KGB), Cơ quan Tình báo Quân đội Nga (Glavnoye Razvedyvatel’noye Upravleniye - GRU), Cơ quan Dân ủy Nội vụ (Narodnyy Komissariat Vnutrennikh Del - NKVD)…. Đây là kết quả hợp tác truyền thông tình báo của Mỹ, Anh và một số nước đồng minh. Bài viết dưới đây trình bày khái quát các kết quả chính và nguyên nhân thám mã thành công của dự án VENONA.
15:00 | 30/12/2018
Ngày 31/10, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2020 - 2024 và chuẩn bị kỳ thi từ năm 2025. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng dự và chỉ đạo Hội nghị.
16:00 | 01/11/2024
Dự án siêu trung tâm dữ liệu AI do Nvidia và tỷ phú Mukesh Ambani khởi xướng được kỳ vọng sẽ biến Ấn Độ thành một trung tâm công nghệ AI hàng đầu thế giới, sánh ngang với Thung lũng Silicon.
07:00 | 07/11/2024